“Bông lúa vàng”: 30 năm lan tỏa nghệ thuật truyền thống

VHO- Giải Bông lúa vàng của Đài TNND TP.HCM sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm vào ngày 13.1 tới đây. Có thể nói, hiếm có một chương trình nghệ thuật nào bền bỉ kéo dài suốt ba thập kỷ mà vẫn được khán giả gần xa mến mộ như Bông lúa vàng. Một chặng đường đáng nể của Giải thưởng uy tín nhằm phát hiện, bổ sung cho phong trào Đờn ca tài tử và Cải lương nhiều hạt nhân nòng cốt, để đến hôm nay nhắc đến Bông lúa vàng, giới mộ điệu luôn dành tình cảm đặc biệt cho sân chơi ý nghĩa này.

“Bông lúa vàng”: 30 năm lan tỏa nghệ thuật truyền thống - Anh 1

 Ba thập kỷ qua, “Bông lúa vàng” đã lan tỏa nghệ thuật truyền thống, phát hiện nhiều tài năng cho sân khấu Cải lương

Giải thưởng Cải lương lâu đời nhất

Nhắc đến giải Bông lúa vàng, có lẽ không ai làm Cải lương mà không biết đến. Ông Nguyễn Nam Tuấn, Phó Giám đốc Đài TNND TP.HCM cho biết, Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên năm 1993, đến nay đã trải qua 30 năm hành trình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị tinh thần vô cùng đáng quý của nhân loại. Đây là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa lan tỏa Đờn ca tài tử, Cải lương đến với công chúng, được Đài TNND TP.HCM duy trì suốt thời gian dài, dù phải trải qua nhiều khó khăn.

“Trong thời buổi có nhiều loại hình giải trí thời thượng lên ngôi thì việc tìm kiếm các thí sinh tham dự các cuộc thi Đờn ca tài tử, Cải lương ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, ở Bông lúa vàng năm 2023, BTC đã chịu khó đi về các tỉnh, thành được xem như cái nôi của Đờn ca tài tử, Cải lương để tuyển sinh. Nhờ sự nỗ lực đó mà cuộc thi năm nay đã quy tụ được gần 500 thí sinh. Các khâu tuyển chọn, tổ chức các vòng thi được Nhà đài thực hiện rất kỹ. Mỗi mùa thi từ khi khởi đầu đến đêm chung kết kéo dài cả nửa năm”, ông Nguyễn Nam Tuấn cho biết.

Hành trình 30 năm đầy tự hào, Bông lúa vàng đã được công nhận là chương trình phát thanh đầu tiên đạt kỷ lục lâu đời nhất trong hệ thống phát thanh truyền hình cả nước. Với hơn 1.500 chương trình phát sóng hằng tuần, chương trình đã định hình thói quen nghe đài, thưởng thức Cải lương của bà con nông dân.

BGK cuộc thi là những soạn giả tên tuổi và những nghệ sĩ Cải lương tài danh, có thể kể đến: Soạn giả Ngô Hồng Khanh, Minh Thùy; NSƯT Huỳnh Khải, NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn; NSƯT Kim Tử Long, NSND Phượng Loan, NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Thanh Hằng… Nơi đây cũng là bệ phóng cho hàng ngàn thí sinh tỏa sáng tài năng với nhiều tên tuổi không còn xa lạ với khán giả như: NSƯT Tuyết Ngân, NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Thu Vân… Các gương mặt đoạt giải cao từ Giải thưởng này sau đó đoạt Chuông vàng vọng cổ hoặc trưởng thành, vững vàng đứng trên sân khấu các đoàn nghệ thuật, có thể kể ra như Minh Trường, Thu Vân, Hải Long, Bùi Trung Đẳng, Phùng Ngọc Bảy, Đào Vũ Thanh…

Khẳng định sứ mệnh truyền cảm hứng

Đánh dấu 30 năm xây dựng và trưởng thành, BTC đã thực hiện chuỗi sự kiện ấn tượng như thực hiện chuyên mục “30 năm hành trình Bông lúa vàng” phát sóng hằng tuần - nơi gặp gỡ, giao lưu để ôn lại những nhân vật đã gắn bó với cuộc thi suốt mấy chục năm qua. Bên cạnh đó là cuộc thi viết sáng tác kỷ niệm “30 năm Bông lúa vàng” đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của gần 100 tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Triển lãm ảnh “30 năm Bông lúa vàng” cũng được khai mạc với nhiều hình ảnh, tư liệu, phục trang sân khấu, nhạc cụ gắn bó với đời sống của giải...

Bông lúa vàng năm 2023 khởi động từ tháng tư, các thí sinh lần lượt trải qua các vòng thi Gieo hạt, Mạ non, Trổ đòng, Lúa vàng và vòng quan trọng nhất, Chung kết xếp hạng, sẽ diễn ra lúc 13h ngày 6.1.2024 tại Nhà hát VOH. Có sáu thí sinh tranh tài gồm: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thanh Phường, Huỳnh Thị Lý, Nguyễn Quỳnh Như, Huỳnh Thị Bé Nhiên.

Thí sinh giành giải Bông lúa vàng sẽ nhận được cúp và tiền mặt trị giá 100 triệu đồng. Lễ trao giải được tổ chức đúng vào Lễ kỷ niệm 30 năm Bông lúa vàng ngày 13.1.2024. Đây sẽ là ngày hội quy tụ những gương mặt thân quen của ngôi nhà Bông lúa vàng như: NSND Bạch Tuyết, NSND Trọng Phúc, NSƯT Phượng Hằng, NSND Mỹ Hằng, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Hải Long... cùng các nghệ sĩ đã thành danh từ chiếc nôi nghệ thuật này.

Trong hành trình 30 năm lan tỏa và bảo tồn nghệ thuật truyền thống Cải lương, Công ty CP Phân bón Bình Điền - một thương hiệu gắn bó mật thiết với bà con nông dân, đã góp sức quan trọng cho thành tựu của Giải Bông lúa vàng. Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền bày tỏ: “Tôi rất vui và đánh giá cao Cuộc thi Bông lúa vàng khi có sự chuyển mình từ một chương trình ban đầu chỉ nghe trên radio, giờ đây đã đa dạng cách thể hiện trên các nền tảng số. Tôi đi khắp các miền Bắc, Trung, Nam hay về miền Tây, thấy bà con lựa chọn Bông lúa vàng là chương trình để giải trí, thư giãn, thậm chí nhiều nghệ sĩ Cải lương trẻ đã có cơ hội trưởng thành từ chương trình, đó là sự thành công lớn”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc